Ảnh hưởng lịch sử Đàng_Trong

Hai triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Namnhà Tây Sơn (1778–1802) và nhà Nguyễn (1802–1945) đều có điểm chung là các triều đại được thiết lập bởi những người sinh trưởng trên đất Đàng Trong ở thế kỷ 18. Nhà Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn HuệNguyễn Lữ sáng lập. Còn nhà nguyễn do Nguyễn Phúc Ánh, một hậu duệ trực hệ của các chúa Nguyễn (1558–1777), sáng lập sau khi đánh bại nhà Tây Sơn. Đây là 2 triều đại có nhiều điểm khác biệt so với các triều đại trước đó của người Việt. Họ về cơ bản lấy đất Đàng Trong làm thủ phủ cai trị mà không phải là Thăng Long như truyền thống. Họ cũng kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn với biên độ phát triển của các vùng miền (về kinh tế, văn hóa, sắc tộc...) lớn hơn bất cứ triều đại nào từng đóng đô ở đất Bắc Hà. Một trong những đóng góp lớn nhất của 2 triều đại này với lịch sử dân tộc Việt Nam là đã nối tiếp nhau hoàn thành công cuộc thống nhất và đồng thời mở rộng lãnh thổ đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực lớn Mạc-Trịnh-Nguyễn kể từ khi nhà Lê sơ (1428–1527) sụp đổ.

Lịch sử hình thành và phát triển của nhiều đô thị trên dải đất miền Nam như Huế (Phú Xuân), Hội An, Mỹ Tho, Cù lao Phố (Nông Nại đại phố), Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, Hà Tiên... đều cơ bản bắt nguồn từ thế kỷ 17 trở đi với những cuộc di dân lớn chủ yếu từ các vùng đất thuộc xứ Thanh, xứ Nghệ, Quảng Bình và cả miền Nam Trung Quốc sau khi nhà Thanh diệt nhà Minh (xem cụ thể ở bài viết về người Minh Hương). Với một khoảng thời gian trên dưới 200 năm (1600–1800), dải đất Đàng Trong cơ bản có một nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội năng động hơn hẳn Đàng Ngoài. Cần nhớ rằng, bên cạnh đô thị truyền thống là kinh đô Thăng Long thì Đàng Ngoài chỉ phát triển được thêm một đô thị Phố Hiến mang vai trò là đô thị vệ tinh của Thăng Long. Trong khi đó ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn nhận biết rõ những ưu và nhược điểm của xứ mình nên dần hình thành tầm nhìn kinh tế năng động hơn hẳn các chúa TrịnhĐàng Ngoài và cả các vua nhà Nguyễn sau này. Bởi vậy với tư cách là những nhà cai trị thực quyền trên đất phương Nam (thay vì vua nhà Lê trung hưng), các chúa Nguyễn đã khôn ngoan đón nhận và tận dụng cộng đồng di dân vùng Hoa Nam (chủ yếu là những người Khách Gia, Phúc KiếnQuảng Đông vốn đặc biệt năng động và thạo nghề kinh doanh) sau biến loạn cuối thời Minh để điều động họ khai phá và phát triển một loạt các đô thị năng động thương mại nối dài từ Hội An cho đến tận Hà Tiên ngày nay.

Sự hình thành của xứ Đàng Trong lúc đầu là một giải pháp tình thế, bất đắc dĩ, mang tính chất đối phó của hai đời chúa Nguyễn đầu tiên (Nguyễn HoàngNguyễn Phúc Nguyên). Giải pháp mang tính "phản loạn, li khai" này nhằm mục đích trước tiên là bảo tồn lợi ích sống còn của dòng họ Nguyễn, khi họ Trịnh về thực quyền đã thay thế hoàn toàn họ Lê để cai trị cả miền Bắc Hà sau khi đánh bại nhà Mạc (1592). Tuy nhiên trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, thì dải đất phương Nam thuộc xứ Đàng Trong cũ đã có ảnh hưởng không thể lường tính hết về mọi mặt với lịch sử Việt Nam từ thời trung-cận đại cho đến nay. Không phải đến thời Nguyễn Hoàng thì kế hoạch Nam tiến của người Kinh (mà chủ yếu là của tầng lớp cai trị) mới trỗi dậy. Nhưng trước thời Nguyễn Hoàng, người Kinh vẫn coi miền đất phương Nam, đặc biệt từ Quảng Trị trở vào, là một chốn "ác địa", nhiều bất trắc, phong thổ lạ lẫm và nhất là một quan hệ phức tạp trong lịch sử giữa 2 tộc người là người Kinh và người Chăm. Việc họ Nguyễn đặt chế độ cai trị thực quyền trên dải đất này (mặc dù về danh nghĩa vẫn thần phục nhà Lê Trung Hưng) đã khích lệ những cuộc di dân lớn không chỉ của Kinh tộc mà còn của một bộ phận không nhỏ người vùng Nam Trung Quốc sau cuộc chuyển giao quyền lực từ Hán tộc sang Mãn tộc vào năm 1644. Xứ Đàng Trong hình thành và phát triển cũng xóa bỏ thế phát triển mang tính thống trị của trung tâm truyền thống là vùng Đồng bằng Bắc bộ với vai trò "bá quyền" về mọi mặt của Thăng Long. Lịch sử phát triển của một số vùng kinh tế đồng bằng trù phú như Đông Nam BộTây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) dưới thời các chúa Nguyễn cũng cho thấy xu hướng chuyển dịch dần về phương Nam của quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. Thậm chí cho tới ngày nay, ở những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 thì xu hướng "Nam tiến" của nguồn lực lao động từ các vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn đang diễn ra mạnh mẽ và áp đảo. Theo số liệu năm 2011, tổng dân số của vùng Đông Nam Bộ là 14.890.800 người (chiếm khoảng 17% dân số cả nước) trên một diện tích tự nhiên 23.597,9 km² (chiếm khoảng 7,5% diện tích cả nước), mật độ dân số là 631 người/km².[12] Theo số liệu điều tra di cư nội địa quốc gia được Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố tại Hà Nội ngày 16/12/2016 thì vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ dân di cư đến cao nhất cả nước.[13] Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ thường niên trong năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận rằng "vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 40% GDP, đóng góp gần 60% thu ngân sách quốc gia, GDP tính theo đầu người cao gần gấp 2,5 lần mức bình quân cả nước; có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng luôn cao hơn khoảng 1,4 lần đến 1,6 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước."[14][15]